Monday, 11 June 2012

Tây Ban Nha - Italy, cuộc cách tân chiến thuật đỉnh cao

Trận ra quân ở bảng C Euro đêm qua cho thấy hai nhà vô địch World Cup gần đây đều có sự thay đổi về chiến thuật để phù hợp với hoàn cảnh.

Thời thế sinh ra tiki-taka không tiền đạo

Tiki-taka là chiến thuật “chí nhu” trong bóng đá, lấy mềm mại, uyển chuyển, nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng làm trọng. Sau khi đưa Barca và Tây Ban Nha lên đỉnh cao trong thế giới bóng đá trong khoảng nửa thập kỷ vừa qua, giờ đây gặp thời điểm các tiền đạo hàng đầu đều dính chấn thương hoặc không đạt phong độ cao nhất, tika-taka đã phát triển lên một bước mới: phủ nhận các tiền đạo.

Trong phần lớn thời gian của trận đấu đêm qua, HLV Del Bosque đã cho các học trò chơi với đội hình 4-6-0. Họ hầu như không sút mạnh, sút xa, mà chỉ sử dụng khả năng đan bóng nhuần nhuyễn của các tiền vệ, đưa bóng đến sát khung thành rồi thực hiện nốt khâu cuối cùng là “chuyền” vào gôn. Bàn thắng của Fabregas chính là tiêu biểu cho triết lý đó. Các tiền vệ không chỉ chăm chăm hướng vào gôn, mà họ còn “để mắt” đến các khoảng trống. Silva trong tình huống gỡ hòa gần như quay lưng với khung thành đối phương, tung ra một cú vẩy má ngoài chân trái về phía sau đưa bóng vào khoảng trống cho Fabregas băng xuống nhẹ nhàng dứt điểm.

Phòng ngự Italy kiểu mới

Thật ra, nếu xét về nhẹ nhàng thanh thoát thì pha đi bóng của Pirlo qua hai cầu thủ Tây Ban Nha trước khi chọc khe như đặt để Di Natale ghi bàn mở tỷ số trận đấu mới là đỉnh cao của sự thanh thoát. Không phải tốc độ khiến người ta chóng mặt, cũng không phải sự khéo léo khiến người ta hoa mắt, mà là chỉ một pha đẩy bóng đơn giản, vừa vặn, đầy bất ngờ và chính xác từ phần sân nhà, khiến cho đối phương chưa kịp nhận ra là anh đã thoát qua thì đã thấy Di Natale nhận bóng thuận lợi và ghi bàn.

De Rossi được đánh giá là người chơi hay nhất trận đấu.

Nhưng đây chưa phải cách tân trong lối chơi phòng ngự kiểu Italy, bởi phản công sắc bén chính là vũ khí sở trường của họ. Điểm mới nằm ở vai trò của De Rossi, chơi như một trong ba trung vệ, nhưng không đá thòng mà lại ở vị trí cao nhất, như một tiền vệ lùi sâu. Sự cơ động của anh hạn chế đáng kể các khoảng trống trước vòng cấm khiến Tây Ban Nha không có được tỷ lệ kiểm soát bóng ấn tượng như thường lệ. Người sáng tạo ra vị trí này chính là “kẻ thù của tiki-taka” Mourinho, người thử nghiệm Pepe ở Real. So với trung vệ người Bồ Đào Nha chủ yếu dùng tốc độ, sức mạnh và lối đá rắn thì De Rossi với khả năng đọc tình huống của người Italy, kết hợp với một hàng phòng ngự Italy chính tông tỏ ra hiệu quả hơn nhiều.

15 phút cuối đối công hoang dại

Với việc tiki-taka "chí nhu" chưa đạt được hiệu quả cao nhất do các tiền vệ còn kém sắc bén trong dứt điểm, cộng với Tây Ban Nha ít tấn công biên do không chơi tạt bóng đánh đầu, HLV Cesare Prandelli mạnh dạn đẩy cao hai hậu vệ cánh tạo thành đội hình 3-5-2 tiềm ẩn khả năng phản công cao, nhiều lần khiến khung thành của Casillas phải chao đảo.

Sau khi hai bàn thắng được ghi, trận đấu mở ra và hai đội từ bỏ sự chắc chắn để chơi đôi công hoang dại. Bosque đưa Torres vào sân, trở về lối đá tiki-taka kết hợp phản công. Bản năng đánh hơi vị trí của anh nhanh chóng tạo ra sự khác biệt so với các tiền vệ, và hai lần chạy chỗ thông minh đặt anh trước những cơ hội ghi bàn rõ rệt, tiếc là sức ép từ việc không được đá chính có lẽ đã khiến anh không dứt điểm được như ý.

Đây xứng đáng là trận đấu hay nhất từ đầu giải, những chiến thuật thành danh được cách tân với những mảng miếng mới đem lại nhiều bất ngờ thú vị. Trận đấu chứng tỏ bất chấp những biến động trước giải đấu, Tây Ban Nha và Italy sẽ vẫn là những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.

0 Responses to “Tây Ban Nha - Italy, cuộc cách tân chiến thuật đỉnh cao”

Post a Comment

Next previous Home
http://themeyoutube.com/Vu%20Hai/banerduoi.jpg